Thư viện tỉnh Thái Nguyên: Những vấn đề bất cập
Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2016
Là kho tài liệu lớn nhất của Tỉnh, nơi thu thập, lưu trữ các tài liệu tại địa phương, thư viện này được thành lập với mong muốn sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân trên địa bàn. Nhưng bên cạnh vẻ ngoài hào nhoáng, thư viện vẫn đang chậm chạp phát triển và dường như bị rơi vào quên lãng.
Nan giải trong cách hoạt động của thư viện
Hiện nay thư viện Tỉnh Thái Nguyên vẫn hoạt động theo mô hình thư viện truyền thống. Tức là các cuốn tài liệu được sắp xếp theo khổ, cỡ, đầu sách và được cất kĩ trong những kho kín của thư viện. Người đọc chỉ có thể tiếp cận đến tài liệu thông qua thủ thư tại các quầy lưu thông. Hình thức hoạt động như vậy được những người trong ngành thư viện gọi là “thư viện đóng”. Khác với thư viện mở là người đọc được tự do đi lại chọn lựa sách, thì với thư viện đóng người đọc trở nên bị động, hạn chế về tầm nhìn và sự tiếp xúc với sách.
Các hoạt động như cấp thẻ thư viện cho người đọc, đăng kí mượn sách đều được làm theo cách truyền thống là ghi chép trên những cuốn sổ mà không có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Do đó, mỗi lần có người đến mượn hay trả sách, những người làm thư viện ở đây rất khó khăn và mất thời gian trong việc điền thông tin, cũng như tìm sổ mượn của người đọc.
|
Việc cấp thẻ được ghi chép thủ công |
Không chỉ gây bất cập trong quá trình làm việc của nhân viên thư viện, cách hoạt động của thư viện Tỉnh Thái Nguyên cũng chính là lý do khiến cho người đọc không mấy mặn mà khi đến đây. Để có thể tìm sách trên thư viện Tỉnh thì trước hết cần phải biết tên sách, tên tác giả cuốn sách đó. Sau đó, người đọc sẽ đọc tên sách cho người thủ thư tra cứu trên máy tính, rồi họ sẽ vào kho lấy sách ra. Còn nếu mất điện không sử dụng được máy tính, thì người đọc phải tra cứu vị trí sách bằng hệ thống mục lục, theo các chữ cái được sắp xếp ở mỗi hộp trên tủ gỗ, bên trong mỗi hộp có rất nhiều tờ giấy ghi lần lượt các mã sách khác nhau. Và điều này khiến người đọc không có cơ hội để tham khảo những đầu sách khác.
|
Tủ tra cứu tên sách |
|
Người đọc vẫn phải tra cứu sách để mượn một cách thủ công |
Thư viện thu hút người đọc hay không, không chỉ bởi nguồn sách có trong đó, mà còn phụ thuộc vào không gian, kiến trúc của thư viện. Cách sắp xếp sách phải vừa khoa học, độc đáo, không gian mở thì mới hấp dẫn độc giả. Tuy nhiên, thư viện Tỉnh Thái Nguyên là được tiếp nhận cơ sở vật chất của Cục thuế Thái Nguyên, nên không gian nơi đây được xây dựng chỉ phù hợp với một cơ quan hành chính chứ không phải là cho thư viện. Cả thư viện gồm có bốn kho lưu trữ tài liệu và một phòng máy tính cho sử dụng Internet miễn phí, nhưng được đặt phân tán ở các tầng. Do đó nếu người đọc mượn sách ở tầng 3, muốn đọc thì phải lên tầng 4, và mượn mang về lại phải xuống tầng 1 tìm mã sách của quyển đó ở kho mượn. Không chỉ vậy không gian phòng đọc cũng là tận dụng hội trường họp của cơ quan thuế nên khá chật hẹp, gò bó, không thoải mái.
Thư viện mở ra cho người đọc nhưng vắng người đọc
Đi một vòng quanh thư viện, có thể thấy lượng người đến đây rất thưa thớt, lượng độc giả chủ yếu là học sinh, còn phòng đọc dành cho người lớn thường trống. Theo tìm hiểu từ người làm trong thư viện, phòng đọc dành cho người lớn trung bình có 20 lượt đọc trong ngày, có ngày có khi không có ai, còn phòng đọc dành cho trẻ con thì nhiều hơn 100 lượt/ngày. Và tập chung đông nhất là phòng Internet, trung bình một ngày có hơn 300 – 400 lượt.
|
Phòng đọc của người lớn thường xuyên đóng cửa vì rất ít người đọc |
Nhu cầu sử dụng thư viện chủ yếu là đối tượng thiếu nhi, còn phòng đọc dành cho người lớn độc giả chủ yếu là người đang làm nghiên cứu, tìm hiểu những nguồn tài liệu cũ do bên ngoài không còn bán. Còn đối tượng là sinh viên thì rất hiếm vì thực tế các đầu sách ở đây chưa đáp ứng được nhu cầu của họ.
|
Thiếu nhi là bạn đọc thường xuyên nhất của thư viện |
Bên cạnh các đầu sách cho thiếu nhi chủ yếu là truyện tranh, thì phòng đọc cho người lớn chủ yếu là các tài liệu được lưu trữ ở tất cả các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, văn học, địa lý, dân tộc, chính trị,…; các nguồn sách chuyên khảo cho các ngành học còn rất ít.
Đổi mới để phát triển
Hiện nay, thư viện Tỉnh Thái Nguyên cũng đã đưa ra nhiều phương pháp để có thể nâng cao chất lượng hoạt động, hướng tới xây dựng thành thư viện điện tử hiện đại, thu hút người đọc trên địa bàn Tỉnh. Thay bằng khép kín tất cả các kho tài liệu như trước thì nay đã dần cải cách mở kho thiếu nhi, cho các em được tự do chọn sách, mở rộng không gian đọc cho độc giả.
|
Kho sách dành cho thiếu nhi đã được thay đổi thành thư viện mở |
Tuy nhiên, việc cải cách vẫn còn rất nhiều bất cập nên vẫn chưa có sự thay đổi đồng bộ. Thiết nghĩ, lãnh đạo Tỉnh cần có sự đầu tư hơn nữa để nâng cao hệ thống thư viện để tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đọc ngày càng cao của người dân
All comments [ 0 ]
Your comments