Tục tảo mộ ngày Tết Thanh Minh của người Tày Cao Bằng

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016
Mỗi năm vào đúng ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch, người Tày-Cao Bằng đều trở về quê hương để đi tảo mộ, báo hiếu với ông bà, tổ tiên. Đây cũng là dịp để cho con cháu thể hiện tấm lòng hiếu thảo với người đã khuất,Tết Thanh Minh đối với người Tày ở Cao Bằng có lẽ là cái Tết lớn thứ hai trong năm để mọi người có dịp cùng nhau tụ họp bên mâm cơm gia đình.

Tết Thanh Minh của người Tày Cao Bằng bắt  nguồn từ Trung Quốc, gắn liền với Tết Hàn Thực của người Kinh, nhưng người dân ở đây không ăn bánh trôi, bánh chay như người Kinh. Món ăn đặc trưng nhất trong dịp Tết này là món xôi cẩm ngũ sắc và một loại bánh không thể thiếu trong ngày lễ tảo mộ đó là bánh bò.

Chuẩn bị cúng mộ người ta sắm sửa đồ lễ, gồm: nhang, đèn, tiền giấy, quần áo giấy, giấy ngũ sắc và một số thức ăn như:gà luộc (nguyên con), xôi ngũ sắc, thịt mồi, rượu, hoa, quả, bánh, kẹo…
Mâm cúng trong lễ Tảo mộ
Nhằm nhanh chóng tiến hành  lễ tảo mộ người dân thường xuất phát từ sớm, lúc mặt trời mọc. Thành phần tham gia đi tảo mộ gồm:con trai,con gái,con dâu, con rể trong nhà và các cháu, những người già đã có tuổi sẽ không đi nữa vì cho con cháu đi để biết dần những ngôi mộ của gia tiên,cũng để thể hiện sự kính trọng tổ tiên qua tục tảo mộ và cầu khấn cho những người đã khuất phù hộ độ trì cho con cháu có sức khỏe,công việc làm ăn được ổn định.
Trong ngày này, họ cầu khấn tổ tiên để mong phù hộ độ trì cho con cháu
Vào ngày này người ta đến sửa lại các ngôi mộ của tổ tiên cho sạch sẽ. Họ mang theo xẻng, quốc để đắp lại ngôi mộ cho đầy đặn, nhưng không phải năm nào cũng đắp được đất mới cho mộ, những năm nào mà ngày 3/3 rơi vào ngày thân thì người dân chỉ nhổ hết cỏ dại và chặt những cây cao mọc trùm bóng lên mộ. Sau đó bày đồ dâng cúng và cầu khấn, đồ cúng phải rót đủ 3 lần rượu cho qua một tuần hương mới đốt vàng mã, tiền giấy, kèm theo đó là dựng cây nêu báo hiếu, con cháu có thể bày mâm ăn uống hoặc thu lộc mang về nhà. Người Tày chỉ tảo mộ vào buổi sáng, không được qua 12 giờ trưa. Đây là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, gọi là đền đáp công ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên ngày trước.

Tục tảo mộ của người Tày ở Cao Bằng  gắn liền với đạo đức, với bổn phận của con cháu, giúp ta nhớ về quê hương, nguồn cội. Nhắc cho thế hệ sau luôn nhớ về công ơn dưỡng dục của đấng sinh thành.

                                                                                      LÃNH HƯỜNG
Chia sẻ bài viết ^^
Other post

All comments [ 0 ]


Your comments